1
Toàn cảnh Hội nghị
Tham dự Hội nghị có đồng chí GS.TS. Đinh Xuân Dũng - Nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương kiêm Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; đồng chí Nguyễn Xuân Dũng - Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc TVQG; đồng chí Nguyễn Ngọc Anh - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc TVQG cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, Ủy ban kiểm tra Đảng ủy và toàn thể các đồng chí đảng viên; các quần chúng ưu tú là đối tượng phát triển đảng của Đảng bộ Thư viện Quốc gia Việt Nam.
Trong không khí trang nghiêm của Hội nghị, Ban Tổ chức cùng toàn thể các đại biểu tham dự Hội nghị đã dành một phút tưởng niệm đồng chí Nguyễn Phú Trọng - cố Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Người đã cống hiến trọn cuộc đời cho Tổ quốc, cho nhân dân.
Đại biểu tham dự Hội nghị mặc niệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Với thời lượng 02 tiếng, GS.TS. Đinh Xuân Dũng - Báo cáo viên của Hội nghị đã cung cấp cho toàn thể đại biểu những nội dung cơ bản của cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, qua đó nêu bật tư tưởng về văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng thời nhấn mạnh các bài viết, bài phát biểu, các cuộc trả lời phỏng vấn, thư từ được tập hợp trong cuốn sách thể hiện sự quan tâm sâu sắc của đồng chí Tổng Bí thư đối với việc xây dựng, gìn giữ và phát triển nền văn hóa Việt Nam với các yếu tố truyền thống và hiện đại, bản sắc và hội nhập, tạo nguồn lực nội sinh và huy động sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng.
Theo chia sẻ của báo cáo viên, từ thời học phổ thông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã rất yêu văn học. Tình yêu văn học đó kéo dài trong suốt cuộc đời và là cội nguồn tạo nên tư tưởng văn hóa của đồng chí Tổng Bí thư. Riêng cuốn “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” trích dẫn không dưới 20 lần các bài thơ, bài hát… Nhờ những nghiên cứu sâu sắc và trải nghiệm thực tiễn mà những quan điểm chỉ đạo về văn hóa của người đứng đầu Đảng ta luôn có chiều sâu và dấu ấn cá nhân rõ nét, có sức thuyết phục, gắn chặt với thực tiễn…
GS.TS. Đinh Xuân Dũng báo cáo tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Dũng - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc TVQG đánh giá cao những nội dung báo cáo viên đã trình bày, đồng thời nhấn mạnh nội dung của cuốn sách giúp mỗi chúng ta nhận thức sâu sắc hơn các chủ trương, đường lối của Đảng về lĩnh vực văn hóa và những tư tưởng, luận điểm cơ bản của Tổng Bí thư về văn hóa; đề nghị các chi bộ tiếp tục lan tỏa nội dung cuốn sách tới đông đảo quần chúng, đồng thời chủ động cung cấp cho bạn đọc các thông tin về cuốn sách; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết, trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tại đơn vị.
Ông Nguyễn Xuân Dũng - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc TVQG phát biểu tại Hội nghị
Hội nghị nghiên cứu, quán triệt nội dung cuốn sách "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng góp phần lan tỏa những nội dung cốt lõi của cuốn sách tới đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngành văn hóa nói chung và TVQG nói riêng, qua đó nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước và ý thức trách nhiệm của những người thuộc lĩnh vực này trong công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam truyền thống, hiện đại, bền vững.
Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
“Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” là cuốn sách mới nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Tạp chí Cộng sản, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức biên tập, xuất bản, được triển khai từ tháng 3/2023, hoàn thành và ra mắt vào dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024).
Cuốn sách gồm 927 trang, tuyển chọn các bài viết, bài phát biểu, bài nói, lược ghi, trả lời phỏng vấn, thư ... của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong hơn 60 năm. Nội dung các bài phát biểu, bài viết thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Tổng Bí thư đối với việc xây dựng, gìn giữ, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đặc biệt nhấn mạnh việc phát huy nguồn lực nội sinh của văn hóa, góp phần xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đồng thời giới thiệu một số bài viết, trả lời phỏng vấn của các cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc nghiên cứu, học tập và triển khai các hoạt động văn hóa theo tinh thần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bên cạnh đó, cuốn sách còn tuyển chọn hơn 100 bức ảnh tư liệu quý, ghi lại hình ảnh của Tổng Bí thư trong các hoạt động văn hóa. Các bức ảnh thể hiện “bên cạnh tầm văn hóa, tư duy văn hóa, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là con người văn hóa, đồng thời là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa của Đảng”.
Nội dung cuốn sách gồm:
Tập hợp và giới thiệu 19 bài phát biểu, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Hội nghị công tác tư tưởng - văn hóa toàn quốc, Hội nghị Tuyên giáo toàn quốc...
Đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, “văn hóa là hồn cốt của dân tộc” đã được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử với bao biến cố thăng trầm. Tổng Bí thư cho rằng “với một đất nước, một dân tộc trọng văn hiến, trọng hiền tài, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; Nhân dân đoàn kết cần cù, sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết tài năng, có trách nhiệm cao với Nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc và tương lai của dân tộc; cùng sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang cho dân tộc, cho giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, Đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới”.
Với những lập luận đầy sức thuyết phục, những dẫn chứng rất phong phú và sinh động, đồng chí Tổng Bí thư đã lý giải cụ thể nội hàm của khái niệm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phân tích vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng giải pháp để phát huy đầy đủ, toàn diện giá trị văn hoá, đồng thời khẳng định quan điểm, đường lối nhất quán của Đảng về văn hóa để văn hóa tiếp tục phát huy vai trò trong thời kỳ mới.
Tuyển chọn và giới thiệu 73 bài phát biểu, bài viết, thư của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với các lĩnh vực văn hóa cũng như quá trình xây dựng, phát triển của các cơ quan văn hóa, được chia thành 4 chủ đề. (1) Văn hóa, văn nghệ có vai trò quan trọng trong giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, nhân cách con người và sự phát triển của đất nước. (2) Khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng nhân ái của dân tộc Việt Nam. (3) Phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, phát triển giáo dục và đào tạo là “quốc sách hàng đầu”. (4) Giữ vững và phát huy vai trò tiên phong của báo chí, xuất bản trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, đóng góp vào công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước.
Văn hóa bao gồm nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, đa dạng và rộng lớn. Trong các bài phát biểu, bài viết, bằng thực tiễn phong phú và tư duy lý luận sắc bén, sự am hiểu sâu sắc về đặc trưng của từng loại hình văn hóa, đồng chí Tổng Bí thư đã có những chỉ đạo toàn diện, đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật; giáo dục, đào tạo; khoa học, công nghệ; báo chí, xuất bản;…
Đặc biệt, đồng chí Tổng Bí thư đánh giá cao vai trò của văn hóa, văn nghệ trong giáo dục, bồi dưỡng con người, khẳng định “văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức, nhân cách con người, nâng cao bản lĩnh và ý thức dân tộc, giữ gìn bản sắc dân tộc, làm cho phát triển kinh tế thị trường mà không băng hoại giá trị đạo đức xã hội, “hội nhập mà không hòa tan””.
Biên soạn, giới thiệu 32 bài viết, trả lời phỏng vấn của các cán bộ, đảng viên và nhân dân trong nghiên cứu, học tập và triển khai, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, gắn với xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam, được chia thành 2 chủ đề. (1) Các cấp, các ngành, địa phương triển khai mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. (2) Một số ý kiến của các nhà nghiên cứu, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về xây dựng nền văn hóa Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.
“Khơi dậy và phát huy nguồn tài nguyên văn hóa góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững ở nước ta hiện nay” nêu bật tiềm năng và cơ hội trong việc đưa văn hóa trở thành nguồn tài nguyên gắn với phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đồng thời phát huy vai trò tiên phong của những người làm công tác văn hóa trong xây dựng, bảo vệ nền tảng tư tưởng văn hóa.
Văn hóa từng bước thấm sâu vào các lĩnh vực của cuộc sống, đồng hành với sự phát triển của đất nước. Các bài viết trong phần 3 đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả để xây dựng, gìn giữ và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tư tưởng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Có thể khẳng định cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một công trình có ý nghĩa đặc biệt, góp phần quan trọng làm rõ bản sắc, hoạch định đường hướng căn bản và lâu dài đối với nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày càng phồn vinh, phát triển.
Theo Thư viện Quốc gia Việt Nam